Bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Đặc điểm của bệnh
1.1. Định nghĩa ca bệnh: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Ảnh minh họa.
- Ca bệnh lâm sàng:
+ Viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
+ Khám thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
+ Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
- Ca bệnh xác định: Phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng.
1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amydan có hốc mủ.
1.3. Xét nghiệm
- Loại mẫu bệnh phẩm: Ngoáy họng lấy chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Thường chỉ dùng phương pháp soi kính hiển vi: Làm tiêu bản nhuộm Gram soi kính hiển vi; trực khuẩn bắt màu Gram (+), hai đầu to. Hoặc nhuộm Albert; trực khuẩn bắt màu xanh.
+ Có thể phân lập vi khuẩn bạch hầu trên môi trường đặc hiệu nhưng chậm có kết quả, ít khi dùng phương pháp tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.
Ảnh minh họa.